XIN CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG THÔNG TIN CHÍNH THỨC CỦA VIHAFOOD
Tin tức » Tin nóng

Cuộc dịch chuyển 'chầm chậm' của gạo Việt (20/11/2017)

FaceBook Twitter Google Yahoo

Mặc dù đã có những nỗ lực thay đổi về chính sách, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, dịch chuyển sang phân khúc gạo cao cấp, nhưng ngành gạo Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro và chưa thật sự phát triển vững bền.

Mặc dù đã có những nỗ lực thay đổi về chính sách, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, dịch chuyển sang phân khúc gạo cao cấp, nhưng ngành gạo Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro và chưa thật sự phát triển vững bền.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, đồng thời, thành lập ban soạn thảo xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 109. Nghị định mới đã có hàng loạt đổi mới mạnh mẽ, như không quy định quy mô kho chứa, công suất cơ sở xay xát, chế biến, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng. Thay vào đó, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo “phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành”. Cùng với đó là bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam…
Thông tin này được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đón nhận tích cực và đánh giá có cơ chế mở, thông thoáng hơn, gỡ bỏ nhiều rào cản đối với ngành gạo Việt Nam bao lâu nay. Song mọi chính sách đều có độ trễ của nó và vẫn cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả thật sự của chính sách.
Tuy nhiên, những thay đổi tích cực nhất đã có thể thấy được từ chính Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - tổ chức vốn bị các doanh nghiệp kêu ca nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, những năm trước đây, hiệp hội luôn “ôm” mọi thứ, từ đi đàm phán, chào giá, phân bổ xuất khẩu… khiến cho các doanh nghiệp luôn trong tình trạng bị động, chưa kể chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng vì chào giá quá rẻ. Năm nay, khi điều hành đàm phán thương vụ đấu thầu với thị trường Philippines, VFA đã mở thông tin cho doanh nghiệp tất cả, từ phương án đấu thầu, giá cả, loại gạo để doanh nghiệp cùng góp ý, hỗ trợ thông tin. Nhờ đó, VFA đưa ra được mức giá chào bán hợp lý trong vụ đấu thầu, giúp doanh nghiệp xuất khẩu có lợi nhuận.

Một điểm mới khác là Việt Nam cũng đã bắt đầu tập trung sản xuất các loại gạo ở phân khúc cao cấp, có giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi, chuyển từ gạo trắng hạt dài chất lượng thấp sang gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao và nếp. Gạo thơm đứng đầu trong “rổ gạo” của Việt Nam với tỷ lệ 26,4%. Đây là chuyện mà chỉ khoảng 2 năm trước, doanh nghiệp không dám mơ tới.

Sau gạo trắng chất lượng cao, gạo nếp và Japonica cũng có mức tăng trưởng mạnh. Có thời điểm, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam chỉ mong làm sao trồng được Japonica, vì đây là giống lúa trồng ở xứ ôn đới, trong khi nền nhiệt độ ở đồng bằng sông Cửu Long khá cao. Thế nhưng đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được Japonica, có lúc giá Japonica Việt Nam còn cao hơn cả giá gạo cùng loại của Mỹ. Các thị trường như Úc, Hàn Quốc luôn có nhu cầu khá lớn về gạo Japonica của Việt Nam.

Ông Huệ nhận định, nhu cầu thị trường thay đổi kéo theo định hướng cơ cấu sản xuất gạo cũng thay đổi, nhất là từ phía thị trường Trung Quốc. Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, Trung Quốc là thị trường gạo cấp thấp, không đòi hỏi nhiều về chất lượng. Hiện nay, Trung Quốc bắt đầu đưa ra các quy định buộc các doanh nghiệp phải vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo gạo chất lượng cao. Đây là thị trường rất rộng lớn, cần được tiếp tục chăm sóc, phát triển.
ự làm khó nhau khi đi ra nước ngoài luôn là câu chuyện không bao giờ có hồi kết với doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết, hiện Cần Thơ có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có 30 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Thế nhưng hiện nay số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn rất nhiều, thậm chí thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản mà nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp tự “giết” nhau. Nắm được điểm yếu này, một số doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập nắm thông tin, sau đó tung tin làm nhiễu loạn thị trường để các doanh nghiệp Việt Nam đua nhau hạ giá chèn ép nhau. Cuối cùng, chỉ có các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc hưởng lợi...

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, ngành gạo Việt Nam vẫn chưa có đầu mối đủ lực để thống nhất doanh nghiệp trong nước và có tiếng nói mạnh mẽ hơn với nhà nhập khẩu nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp ngành xuất khẩu gạo rất hay rơi vào thế bị động, gặp nhiều rủi ro vì bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép, bắt nạt. Khi giá trên thị trường thế giới lên cao thì bị doanh nghiệp nước ngoài ép giao nhanh, giao chậm lập tức bị phạt hợp đồng. Khi giá gạo thế giới thấp thì doanh nghiệp nước ngoài lại không chịu lấy hàng, dù đã cam kết.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, nhiều năm qua cơ chế chính sách về xuất khẩu gạo của cơ quan quản lý nhà nước đã gián tiếp tạo điều kiện để các nhóm lợi ích ngăn cản các doanh nghiệp tiếp xúc giao dịch với nhiều quốc gia nhập khẩu gạo. Thậm chí trong ngành gạo đã xuất hiện nhóm lợi ích khống chế, triệt tiêu việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao đi đôi với xúc tiến thị trường xuất khẩu gạo.

“Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu lúa. Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa, liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, Việt Nam có thể cung cấp gạo chất lượng cao, đồng nhất giống. Nhờ đó, các nhà nhập khẩu gạo đồng ý trả thêm cho Việt Nam từ 50 - 80 USD/tấn gạo đồng nhất. Các doanh nghiệp khi xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch thì thị trường tiêu thụ có ngay từ đầu chứ không cần phải đi xúc tiến hay tìm kiếm thị trường. Còn nếu không có được vùng nguyên liệu, dù nhà nước có hỗ trợ cả ngàn tỷ đồng thì gạo Việt vẫn không bán được hoặc bán được thì giá cũng rất thấp”, ông Bình nhận định.

Đăng Lãm (Diễn đàn doanh nghiệp)