XIN CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG THÔNG TIN CHÍNH THỨC CỦA VIHAFOOD
Tin tức » Tin nóng

Nông dân Việt Nam đổi mới, hội nhập

FaceBook Twitter Google Yahoo

Sáng 22.12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tới dự có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

(LĐ) - Sáng 22.12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tới dự có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Tham dự Đại hội còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh và Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư; các đồng chí lão thành cách mạng. Về dự đại hội có gần 1.200 đại biểu đại diện gần 10 triệu hội viên Hội Nông dân Việt Nam.

Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khẳng định: "Đây là đại hội của đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển. Chúng ta quyết tâm xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới".

Thay mặt Ban chấp hành T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà giai cấp nông dân và Hội Nông dân VN đã đạt được trong thời gian qua. Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Hội Nông dân VN bức trướng mang dòng chữ "Giai cấp nông dân và Hội Nông dân VN đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn". 
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Báo cáo chính trị của Hội Nông dân VN đã xác định phương hướng công tác của hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ tới là đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hội Nông dân VN vững mạnh về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế... 
Tôi cho đây là phương hướng đúng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của hội và của phong trào nông dân hiện nay, nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm tới".

Theo Hội Nông dân VN, nông dân nước ta hiện nay chiếm 73% dân số, số lao động nông nghiệp chiếm 55,7% tổng số lao động xã hội. Nông thôn hiện có gần 14 triệu hộ. Sau hơn 20 năm đổi mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực. Đời sống của nông dân được nâng lên, đã có 96,8% số xã có điện lưới, 96,9% số xã có đường ôtô đến trung tâm; 100% số xã có trường tiểu học, 100% số xã có điện thoại, 99,45% số xã có trạm y tế, 70% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh... 
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Nông dân VN Lê Hoàng Minh: "Những thành tựu đã đạt được trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm và chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. 
Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm... Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ khi đất nước bước vào thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập kinh tế".
Có thể nói Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân VN lần thứ V (bế mạc vào ngày 24.12) sẽ là dịp để các đại biểu đóng góp sáng kiến xây dựng tổ chức hội xứng đáng là "trung tâm, nòng cốt" trong phong trào nông dân giai đoạn 2008 - 2013.

 

 

Nông dân cần có Hội Nông dân mạnh

Kinh nghiệm thành công và thất bại từ các nước công nghiệp hoá đi trước cho thấy, cách duy nhất để nông dân có thể đứng vững được trước sóng gió của cơ chế thị trường là tổ chức lại trong một hiệp hội quy củ. Hiệp hội đó phải hiệu quả để tổ chức nông dân lại thành lực lượng thống nhất, đủ mạnh để đại diện cho nông dân đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác và tiến đến chủ động khống chế việc cung ứng các vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất. Muốn có một tổ chức như vậy, Hội Nông dân VN phải thực sự là một tổ chức "của dân, do dân và vì dân". Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
Hội Nông dân các cấp trực tiếp tham gia chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nhà nước cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, có chính sách bảo hiểm đối với một số vật nuôi cây trồng chính và hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm để người nông dân yên tâm sản xuất, hạn chế được tác động xấu của dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt... Để Nghị quyết 26 - Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành T.Ư Đảng khoá X về tam nông nhanh đi vào cuộc sống, đề nghị Chính phủ sớm thể chế hoá về mặt nhà nước và tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân được trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình dự án về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh
Dự báo tầm xa cho sản xuất nông nghiệp
Có lẽ nguyện vọng sâu xa của nông dân chúng tôi là muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý nên tập trung nghiên cứu dự báo tầm xa để trả lời tương đối rõ cho nông dân: 5 năm nữa, 10 năm hoặc 20 năm nữa sản xuất con gì, cây gì? Bao nhiêu diện tích, bao nhiêu sản lượng để nông dân yên tâm dốc sức sản xuất mà không gặp thảm hoạ "ế hàng", "rớt giá" như đã và đang xảy ra. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Lê Thanh Liêm